Breaking News
Loading...
  • New Movies
  • Recent Games
  • Tech Review

Tab 1 Top Area

Tech News

Game Reviews

Recent Post

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014
no image

Nhiều giáo viên tiểu học đề nghị bỏ thi chữ đẹp




Nhiều giáo viên đang dạy tiểu học đề xuất bỏ cuộc thi viết chữ đẹp vì việc ôn luyện rất áp lực cho cả giáo viên và học sinh.

Có thâm niên 35 năm là giáo viên tiểu học, cô Dung (Hà Nội) cho rằng, luyện viết chữ đẹp, giữ vở sạch là phong trào rất tốt từ ngày xưa. Phong trào này đến nay vẫn được phát huy, song lại trở nên căng thẳng và tạo thành một cuộc chạy đua giữa các giáo viên, phụ huynh. Nếu trước đây học sinh vào lớp 1 thầy mới dạy nét chữ đầu tiên thì nay trẻ mẫu giáo đã phải mím môi, còng lưng, vẹo cổ... đi luyện chữ. 
Theo phân phối chương trình hiện tại, trẻ học lớp 1 ngày nào cũng phải tập viết, lớp 2 có 2 tiết chính tả mỗi tuần. Những tiết học này rất vất vả khi trong vòng 40 phút, các em vừa nghe cô giảng, vừa viết vào bảng, vừa viết vào vở thực hành 1 trang giấy, về nhà lại có 1 trang bài tập. Lớp 4 thì chỉ có 1 tiết mỗi tuần và lớp 5 thì học sinh đã có ý thức hơn.
"Chương trình học không nặng lắm, nhưng cả thầy và trò đều bị áp lực quá lớn. Nếu giáo viên đứng lớp mà tỷ lệ vở sạch chữ đẹp không đạt yêu cầu sẽ mất lao động tiên tiến, học sinh không viết đẹp thì mất danh hiệu, bên cạnh đó còn phải ra sức rèn luyện chữ đẹp để đi thi", cô Dung cho hay.
chu-dep-8-1349351880-480x0-4059-13933866
Giáo viên tiểu học ủng hộ phong trào vở sạch, chữ đẹp nhưng bỏ cuộc thi viết chữ đẹp. Ảnh: HH.
Học sinh khi viết bẩn, sai, phải tẩy xóa thường xé trang giấy đó đi. Có những trường học xong thì dưới sàn lớp vở trắng xóa. Cá biệt, có em phải thay vở, chép lại toàn bộ bài học để đảm bảo "vở sạch, chữ đẹp" khi gần đến đợt kiểm tra.
Việc tuyển chọn học sinh đi thi viết chữ đẹp cũng rất gắt gao qua các cuộc thi trong phạm vi lớp, rồi khối, trường, quận... Sau khi chọn được học sinh, thầy cô phải tổ chức ôn luyện. Áp lực giành giải khiến cả cô và trò đều gồng mình cố gắng. Quá trình chấm thi chữ đẹp cũng yêu cầu cao, từ cách đặt bút viết con chữ, điểm dừng bút, uốn lượn, nét thanh, nét đậm, khoảng cách từ chữ này sang chữ kia...
Từng tham gia luyện viết chữ đẹp cho học sinh ở các kỳ thi huyện đến thành phố, cô Thúy (Hải Phòng) nhận thấy rất áp lực khi các em ngày đêm phải luyện đến còng lưng, mỏi tay, mỏi mắt. Việc tập trung quá cũng khiến thần kinh các em bị căng thẳng.
"Bản thân tôi đã góp ý rất nhiều nhưng không ai nghe. Dù bị bắt đi rèn viết chữ đẹp cho học sinh thi nhưng riêng con mình, tôi không bao giờ bắt con phải viết đẹp cả, chỉ cần viết đúng, rõ ràng", cô Thúy tâm sự.
Một giáo viên đang dạy ở Hà Nội cũng cho biết, chị không thích học sinh của mình đi luyện chữ vì nó không mang ích lợi gì cho các em. Bản thân chị chưa từng có danh hiệu gì vì không chạy theo thành tích, tạo áp lực cho học sinh. Chị chỉ nhắc nhở các em viết cẩn thận, đúng chính tả, sạch sẽ. Những lứa học sinh đầu của chị hiện nay đều viết đẹp và thành đạt.
"Nếu các phòng, sở giáo dục còn thi viết chữ đẹp thì chắc chắn học sinh còn phải luyện để vui lòng cha mẹ, thầy cô", giáo viên này nói.
Một thực tế cô Dung từng gặp, đó là có những học sinh luyện thì viết chữ rất đẹp, khi không luyện nữa thì chữ lại "như gà bới". Cô giáo tiểu học có 35 năm kinh nghiệm kiến nghị, cần bỏ thi viết chữ đẹp vì còn thi là còn bệnh thành tích, còn nói dối, áp lực. Chỉ nên duy trì phong trào vở sạch chữ đẹp thông qua những bài học trong từng giờ, từng ngày trên lớp, kết hợp với phụ huynh. Trên lớp cô nhắc nhở, chấn chỉnh, về nhà bố mẹ cho con viết lại những chữ viết sai. Chỉ nên cho học sinh viết 2 dòng, không cần thiết phải bắt trẻ ngồi viết đến 2 trang như một số phụ huynh vẫn làm.
Thông qua việc rèn chữ, điều quan trọng nhất là phải luyện cho học sinh cách sắp xếp sách vở, giữ sách vở sạch đẹp, không bị nhàu, quăn mép... Phụ huynh không nên ép con viết đẹp mà phải luyện ý thức và tình yêu cái đẹp cho con. 
"Cha mẹ mỗi ngày chỉ cần cho con chép 4 dòng thơ, như vậy là đã đủ. Hãy dành thời gian luyện chữ để dạy Sử, Địa để trẻ khắc sâu những kiến thức về lịch sử, về danh lam, thắng cảnh của đất nước. Nhà trường cần tổ chức cho học sinh đi các bảo tàng lịch sử, quân sự, mỹ thuật, dạy các con ứng nhân xử thế, yêu thương đồng loại, kính trọng người lớn...", cô Dung nhắn nhủ và khẳng định, khi đã rèn cho các em ý thức thì mỗi học sinh sẽ tự biết nhìn bạn, học thầy để viết chữ đẹp hơn.
theo: vnexpress
no image

Ép học sinh viết chữ đẹp: Được 1 mất 10


Quan niệm "Nét chữ, nết người" đã quá lạc hậu. Việc ép trẻ viết chữ đẹp làm chậm tư duy, hình thành một số tính cách xấu như cáu bẳn, chán học, sợ học...

Đẹp là phạm trù vĩnh cửu mà con người luôn vươn tới. Ai cũng thích cái đẹp, trong đó có chữ đẹp. Chữ đẹp có thể được viết ra, hoặc được in. Những người ủng hộ viết chữ đẹp thì đưa ra luận cứ là "nét chữ, nết người", "rèn cho học sinh tính kiên nhẫn, cẩn thận"... Những quan niệm này đều là cách nhìn thiển cận, sai trái, "được một mất mười".
Thứ nhất, "nét chữ, nết người" được hiểu nôm na là: ai có chữ đẹp thì tốt nết, ai viết chữ xấu thì xấu nết. Quan niệm này quá lạc hậu, bởi nết người được hình thành qua quá trình giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội, qua trải nghiệm cuộc sống của mỗi cá nhân (mà không phải chỉ qua rèn nét chữ). Trên thế giới không có nước nào tổ chức, rèn cho học sinh viết chữ đẹp để giáo dục nết cả. Bởi nét chữ chỉ phản ánh một khía cạnh nhỏ của nhân cách mà thôi, ví dụ: khéo tay, "có hoa tay"...
Quan niệm coi nét chữ phản ánh nết người là không hoàn toàn đúng, tôi đơn cử: Rất nhiều phạm nhân có khả năng chạm trổ, khắc chữ, xăm rất đẹp, còn các bác sĩ thì thường viết chữ xấu. Vậy "nết người" của phạm nhân và bác sĩ được đánh giá như thế nào? Thế nên không thể có chuyện ai viết chữ đẹp thì "tốt nết", ai viết chữ xấu thì "xấu nết". 
Thứ hai, rèn học sinh viết chữ đẹp thì có thể rèn cho học sinh một số nét tính cách tốt như kiên nhẫn, cẩn thận... Tôi thừa nhận điều này. Tuy nhiên, rèn những nét tính cách đó qua việc viết chữ là một việc hành hạ trẻ, thực sự là như vậy. Trong khi đó, chúng ta có thể rèn những nét tính cách tốt cho trẻ thông qua những hoạt động khác mang lại niềm vui, phù hợp đặc điểm tâm sinh lý trẻ em. Điều đó vừa mang lại hiệu quả tích cực và mang tính nhân bản hơn nhiều, ví dụ như tô tranh, tập vẽ... Giá như chúng ta - người lớn biết được trẻ khổ sở như thế nào khi phải viết chữ đẹp.
"Mặt trái" của việc ép học sinh viết chữ đẹp
Một là, ép viết chữ đẹp làm chậm tư duy của trẻ, bởi lẽ, khi các em nắn nót, các em chỉ tập trung vào nét chữ, mà không tập trung vào nội dung, vào quá trình tư duy. Trong lúc đó, tư duy là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giáo dục bởi nó làm cho học sinh trở nên thông minh. Thật không sai, nếu nói rằng, ép viết chữ đẹp làm hỏng mục tiêu giáo dục bởi giáo dục trí tuệ là một nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục nhân cách. Giáo viên tiểu học khẳng định, những em viết chữ đẹp thường "chậm" trong tác phong lẫn tư duy. Hay nói cách khác, việc ép học sinh viết chữ đẹp dễ làm cho học sinh tiểu học dốt đi.
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy, hầu hết các vĩ nhân đều viết chữ xấu. Điều này thật dễ hiểu, những người thông minh thì tư duy rất nhanh, khi họ viết thường không thể theo kịp những điều mình nghĩ, do đó buộc họ phải viết nhanh, thậm chí "tốc ký". Điều đó làm cho chữ họ không thể đẹp. Ai cũng hiểu, điều quan trọng là nội dung (họ nghĩ ra được gì) chứ không phải chữ viết (họ viết như thế nào).
Hai là, trẻ em tay còn yếu mềm, hệ thần kinh chưa vững, do đó, viết nắn nót là một công việc khó khăn, khổ ải với các em. Viết quá nhiều làm cho tay các em nhanh mỏi, ảnh hưởng xấu đến hệ cơ, hệ xương và thần kinh của trẻ. Ta có thể so sánh viết chữ đẹp như công việc thêu thùa của nghệ nhân, khi đó ta sẽ hiểu trẻ chịu khổ, thậm chí đau mỏi như thế nào.
Ba là, bị ép viết chữ đẹp nhiều nên nhiều trẻ hình thành một số nét tính cách xấu như cáu bẳn, chán học, sợ học, lừa dối, thậm chí có thái độ không đúng mực với cô giáo của mình như nói tục, chửi bậy (vì không hài lòng với việc bị giáo viên bắt tập viết nhiều quá...).
Bốn là, chính giáo viên cũng có những yếu tố tiêu cực, như cắt xén các tiết học khác để dành cho viết chữ đẹp, bắt những học sinh viết chữ xấu thay vở mới để luyện chữ đẹp, yêu cầu những em chữ đẹp viết hộ những em chữ xấu để có thành tích...
Theo tôi, nên coi chữ đẹp là "phạm trù" thẩm mỹ, không nên coi nó thuộc phạm trù ngôn ngữ. Cần yêu cầu học sinh viết sao cho đủ nét để người khác đọc được, bản thân mình đọc được là đủ. Tôi có dịp trao đổi với một số GS người Đức, Australia thì được biết, ở nước họ, người ta không bắt học sinh viết chữ đẹp, lại càng không có chuyện thi hay "phong trào" viết chữ đẹp.
Tôi thấy ép học sinh tiểu học viết chữ đẹp là bất công, bởi lẽ, người lớn có viết được như học sinh tiểu học viết không, tại sao lên các cấp học khác lại không còn yêu cầu chữ đẹp?
Thời đại này viết chữ đẹp không để làm gì, khi mà hầu như mỗi khi cần chữ đẹp chúng ta đều dùng máy tính, máy in, kể cả viết giấy khen.
Tôi thấy, ép học sinh viết chữ đẹp chỉ mang lại "danh tiếng", "thành tích" cho giáo viên, cho nhà trường, cho các cấp quản lý giáo dục và làm cho bố mẹ vui mà thôi, còn trẻ em hầu như không được gì mà chịu tổn hại nhiều.
Đã đến lúc giáo dục cần xem xét lại các phong trào của mình. Hãy đặt lợi ích của học sinh lên trên hết.
PGS Nguyễn Hữu Hợp
no image

'Chữ đẹp là truyền thống cần giữ gìn'

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, luyện chữ đẹp là rèn cho học sinh sự cần mẫn tính kiên trì và sự chỉn chu, tính nhẩm nhanh luyện sự nhanh nhạy cho trí óc. Cả hai việc đều rất cần thiết và không thể bỏ.

Dành nhiều tâm huyết cho giáo dục tiểu học, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, chữ đẹp là truyền thống của người Việt và cần phải giữ gìn. Rèn chữ là việc làm tự nhiên mà các trường và giáo viên phải chú trọng. Thầy cô không phải dạy trẻ viết như một cái máy mà phải giúp trẻ thấy yêu con chữ, từ đó tự xây dựng nét đẹp tâm hồn. Việc rèn chữ cho trẻ ở tuổi mầm non là không nên nhưng nội dung này cần phải làm cẩn thận khi các cháu học lớp 1, 2, 3. Trẻ phải được khuyến khích viết chữ đẹp, đúng quy chuẩn để tạo thành nếp ngay từ thuở bé.
“Có quan điểm cho rằng hiện nay có nhiều máy móc hỗ trợ nên không cần viết chữ đẹp. Nhưng khi nhận một bức thư, nhìn thấy chữ viết tay bao giờ cũng vui hơn vì trong đó còn có tình cảm của người viết. Hơn nữa, chẳng lẽ khi có ô tô, xe máy thì ta không dạy đứa trẻ cách bò, đi bộ?”, cha đẻ của trường tiểu học Thực nghiệm nói.
Ông cho rằng điều quan trọng là nhà trường và gia đình bố trí thời gian hợp lý để dạy trẻ luyện chữ đẹp, không để việc đó trở thành gánh nặng cho các em.
bacnhi-1349880579-480x0-6024-1393291225.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ phản đối việc bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh. Theo ông, dạy chữ đẹp là rèn cho học sinh có nhiều tính tốt. Ảnh: Hoàng Thùy.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng phản đối đề xuất bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh bởi chữ thể hiện tính nết con người. Chữ đẹp, rõ ràng con người đó chỉn chu, còn viết ngoáy bao giờ cũng cẩu thả hơn. Khi viết một bài với nét chữ đẹp thì được nhiều người yêu thích, vì vậy, nếu tất cả mọi người đều rèn được chữ đẹp là điều tốt.
“Tôi từng đi dạy nên biết việc luyện chữ đẹp không mất nhiều thời gian. Chỉ khoảng 10 ngày là trẻ đã biết chia theo tỷ lệ chữ cao, thấp tròn và viết có trật tự. Việc luyện cho học sinh tính nhẩm nhanh cũng tốt vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến công việc sau này. Thế nên không thể nói dẹp là dẹp được mà cần phải tổ chức thực hiện như thế nào cho hợp lý”, PGS Nhĩ đề nghị.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội góp ý, không nên cực đoan chạy từ cực này sang cực khác, tức là không thể bỏ dạy luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh. Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã rất coi trọng nét chữ vì nó rèn luyện tính cẩn thận, kiên nhẫn, thẩm mỹ cho con người.
Tuy nhiên, theo GS Thuyết, thời gian qua, các trường đã đầu tư vào việc luyện chữ nhiều quá khiến phụ huynh phải cho con đi học ngày học đêm. Điều này là quá đà, dẫn đến quá tải cho các cháu. “Không để trẻ viết chữ cẩu thả, nguệch ngoạc nhưng cũng không nên mất quá nhiều thời gian vào việc này, vừa gây áp lực cho trẻ vừa không còn thời gian để dạy các cháu những nội dung bổ ích khác”, GS Thuyết nhận định.
chu-dep-4-1349351881-480x0-3093-13932912
Theo GS Hồ Ngọc Đại, không nên dạy trẻ viết khi học mẫu giáo, nhưng từ lớp 1 đến lớp 3 phải dạy viết một cách bài bản. Ảnh: HH.
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng hiện nay tính nhanh đã có máy tính. Dù vậy, tính nhẩm nhanh lại là cách để rèn luyện đầu óc, trí thông minh và nhanh nhạy nên cũng rất cần thiết.
Là hiệu trưởng của trường phổ thông liên cấp, PGS Văn Như Cương hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ luyện chữ đẹp và tính nhẩm nhanh mà chỉ cần học sinh viết chữ dễ nhìn, không sai chính tả. Theo thầy Cương, việc dạy học sinh viết chữ cũng như yêu cầu những bài học khác, chỉ cần viết đúng, chuẩn, không sai theo mẫu, tất nhiên viết đẹp thì càng tốt.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đang yêu cầu học sinh viết vở sạch chữ đẹp nhưng chữ đẹp ở đây lại có ý nghĩa khác, đẹp nghĩa là nghệ thuật, là nét thanh nét đậm, là rồng bay phượng múa. Thực tế nhiều học sinh có khuynh hướng viết như vậy và nên khuyến khích các em. Nhưng không thể biến yêu cầu ấy thành đại trà. Học sinh chỉ cần viết đạt.
“Ngoài học trên lớp, học sinh còn đi luyện chữ đẹp ở các trung tâm, nhưng sau này không phải ai cũng trở thành người viết thư pháp, thành cụ đồ ở Văn Miếu. Vì vậy không nên bắt buộc và tạo áp lực cho tất cả trẻ trong việc luyện chữ”, thầy Cương nhắn nhủ.
Thầy Cương phân tích, tính nhẩm nhanh có trong chương trình học. Đó là việc áp dụng các quy tắc để tính toán nhanh hơn, ví như nhân một số với 11, nhân một số với 25. Kiến thức của môn học này có quy tắc riêng cho trường hợp cụ thể nên không thể luyện để áp dụng trong mọi trường hợp. Cũng có những học sinh tính nhanh hơn cả máy tính, cần khuyến khích. Và cũng như luyện chữ đẹp, không nên bắt tất cả học sinh phải mất thời gian rèn luyện việc này khi thực tế cuộc sống đã có nhiều công cụ hỗ trợ.
“Chữ đẹp, tính nhẩm nhanh không phải là tiêu chuẩn để đánh giá học sinh giỏi hay dốt, vì vậy không nên mất quá nhiều thời gian cho việc này. Hãy giảm bớt thời lượng và thay vào đó những nội dung quan trọng như đạo đức con người, ứng xử với người khác, các mối quan hệ, đối xử với môi trường…Chữ chỉ cần đúng mực, đúng chính tả, đúng ngôn từ. Hãy lập các câu lạc bộ để những em có năng khiếu phát huy tài năng”, thầy Cương kiến nghị.
theo: vnexpress

 

Copyright © 2012 Nuôi Dậy Con All Right Reserved
Designed by CBTblogger